Nguyên bản: Angie Ngọc Trần Modern-day slavery: Vietnamese women domestic workers in Saudi Arabia, đăng ngày 29-11-2021.
The Vietnamese translation of this article was published in the December 2021 issue of the Magazine of the Association of Vietnamese Refugees in the Netherlands.It was translated by Ms. Trúc Hà.
Cái chết mới đây của một cô gái vị thành niên tên H Xuân Siu, người dân tộc Jarai ở tỉnh Dak Lak, Việt Nam, được tuyển dụng làm người giúp việc nhà tại Ả-rập Xê-út đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Thêm nhiều chi tiết do chị dâu của em và do các nguồn tin khác tiết lộ trên Facebook đã phơi bày một hệ thống xuất khẩu lao động bóc lột, đưa phụ nữ trẻ và già từ các vùng nghèo ở Việt Nam sang các nước vùng Vịnh để lao động giúp việc nhà trong tư gia của chủ bảo trợ. Tính đến năm 2020 đã có gần 7.000 nữ lao động giúp việc nhà cho các gia đình Ả-rập Xê-út. Trong khi nạn dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm tình cảnh dễ bị hại của tất cả những người xuất khẩu lao động, những chị em lao động giúp việc nhà còn bị nguy hại hơn vì họ là những kẻ vô hình sống cô lập trong nhà của ông chủ bảo trợ và hoàn toàn nằm dưới quyền sinh sát của những người này. Hệ thống Kafala (người bảo trợ xin chiếu khán nhập cảnh cho người lao động) quy định mọi điều kiện làm việc cho người nước ngoài đến các quốc gia vùng Vinh để làm việc. Trong hệ thống Kafala này, đối với những người lao động giúp việc nhà, người bảo trợ chính là ông chủ hộ đồng thời cũng là người chủ có toàn quyền đối với các chị em và họ không bị ai giám sát. Những người lao động giúp việc nhà này bị ràng buộc với chủ bảo trợ đầu tiên, chủ có thể trục xuất người giúp việc nếu chủ không hài lòng với việc làm của các chị em này, hoặc chủ có thể chuyển các chị em từ hộ này sang hộ khác mà không cần sự đồng ý của người giúp việc (một thực tế tràn lan trong thời COVID-19). Người giúp việc không thể bước ra khỏi nhà vì hộ chiếu của họ đã bị gia chủ tịch thu ngay khi họ đặt chân đến nước này. Kể từ đó, nhiều người bị đối xử như nô lệ, họ không biết liệu họ có được trả lương hay không, họ bị bỏ đói và phải chịu đựng những hành vi bạo hành thể xác và tình dục cho đến khi họ tìm được cách trở về Việt Nam.
H Xuân Siu chỉ mới 16 tuổi khi em được VINACO tuyển dụng. VINACO là một công ty tuyển dụng lao động tại Việt Nam, thành viên của VAMAS (Vietnamese Association of Manpower Supply), Hiệp hội Xuất Khẩu Lao Động Việt Nam được Bộ Nội Vụ cho phép hoạt động từ năm 2003. Công ty VINACO bị cáo buộc đã tăng tuổi của em H Xuân để đưa em đi Ả-Rập Xê-Út làm việc. Sau hai năm làm việc ở đó, em cầu xin được trở về quê hương nhưng đã qua đời vì suy tim ở tuổi 18. Em chết sau khi đưa ra lời cáo buộc đã bị chủ bạo hành thể xác, được ghi âm lại trong các cuộc nói chuyện điện thoại của em với bạn bè. Gia đình em đã van xin đưa thi thể em về quê hương nhưng công ty VINACO đã từ chối, trừ khi gia đình em đồng ý chấp nhận số tuổi không đúng mà họ đã ghi trên hộ chiếu của em (trong hộ chiếu ghi năm sinh của em là 1996 thay vì năm 2003). Sự chậm trễ này khiến lễ chôn cất em đã phải diễn ra tại Ả-rập Xê-út vào ngày 4 tháng 11 năm 2021, khiến gia đình em ở Việt Nam vô cùng buồn khổ.
Ngoài ra còn có những trường hợp thương tâm khác vẫn chưa được cộng đồng thế giới chú ý. Một nữ lao đông trẻ, gốc Kinh, đột ngột qua đời vì COVID-19 và được chôn cất tại Ả-rập Xê-út khi đang giúp việc nhà cho một gia đình ở thành phố Riyadh. Chị bỏ lại hai đứa con thơ và người cha già yếu. Chị hứa tháng 10 năm 2020 sẽ về ở luôn với gia đình, và gia đình chị đã mỏi mòn chờ đợi, cho đến khi tin dữ đến vào tháng 12. Trao đổi với nhà báo viết bài đưa tin trên, tôi được biết chủ bảo trợ đã nợ đọng tiền lương của chị và chỉ chịu trả cho gia đình chị khi hành động vi phạm bị phanh phui trên bài báo Việt Nam khiến chính quyền địa phương ở Việt Nam phải can thiệp thay cho gia đình nạn nhân đáng thương này.
Truyền thông xã hội và các cơ quan truyền thông độc lập đã vạch trần những vi phạm nghiêm trọng này, cũng như việc những chị em giúp việc nhà bị bỏ rơi như thế nào, không những bởi các công ty tuyển dụng lao động mà còn chính bởi đại sứ quán Việt Nam tại Riyadh. Các cơ quan truyền thông này đã phát hiện vô số hành vi bạo hành thể xác đối với những người Việt Nam đi làm người giúp việc nhà tại Ả-rập Xê-út. Trong một trại trục xuất ở Riyadh, phát biểu thay mặt nhóm chị em đi xuất khẩu lao động giúp việc nhà, một phụ nữ đã thu hình lời kêu cứu SOS thảm thiết trực tiếp gửi đến Thủ tướng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Riyadh và cộng đồng mạng xin đưa họ về nước vì các chị bị mắc kẹt ở đó (có người đã hơn một năm) do nhiều vi phạm hợp đồng không do lỗi của các chị. Các nguồn tin khác chia sẻ những bức ảnh của những chị em lao động bị bạo hành thể xác và tình dục lánh nạn tại một nơi trú ẩn ở Riyadh sau khi trốn chạy khỏi nhà của các chủ bảo trợ Ả- rập Xê-út.
Vì sao những sự bạo hành này được che đậy cho đến khi quá muộn cho một số chị em? Nhằm mục đích đòi hỏi cải cách và công bằng cho họ, chúng ta cần tìm hiểu hệ thống môi giới lao động xuyên quốc gia, một hệ thống tự duy trì và chặt chẽ nhằm bóc lột và lạm dụng những người lao động giúp việc nhà.
Năm 2014, chính phủ Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã ký một thỏa ước lao động 5 năm để đưa phụ nữ từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc nhà. Thỏa ước này bao gồm một điều khoản gia hạn tự động khi đến năm 2019. Thỏa ước này mang lại lợi ích cho các bộ của cả hai chính phủ, cho các công ty tuyển dụng lao động của cả hai bên và cho gia đình các chủ bảo trợ ở nước sở tại. Chương trình này hưởng lợi trên sức lao động của những người đi xuất khẩu lao động, 100% là phụ nữ (gốc Kinh và các dân tộc thiểu số) ở Việt Nam, được trả 400 Mỹ kim mỗi tháng, làm việc 7 ngày một tuần và hơn 12 giờ mỗi ngày. Sau rất nhiều tìm kiếm, tôi không hề tìm thấy một thông báo nào về việc gia hạn cũng như việc cập nhật hóa các điều khoản của thỏa ước này. Nhưng tôi tìm ra báo cáo về quyết định ngày 17 tháng 12 năm 2020 của VAMAS về việc hình thành và bổ nhiệm các lãnh đạo cho Ban Thị trường Ả-rập Xê-út, với tổng giám đốc công ty cổ phần VINACO là một trong những người lãnh đạo. Điều này cho thấy rằng thỏa ước lao động song phương này đã được gia hạn cùng với tất cả các quy định hiện hành có khả năng gây nguy hại cho những người lao động giúp việc nhà.
Dù áp lực thế giới ngày càng tăng, Ả-rập Xê-út vẫn loại trừ những người di dân lao động giúp việc nhà ra khỏi cái gọi là cải cách hệ thống Kafala có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 3 năm 2021. Người lao động giúp việc nhà và nông dân vẫn là những người ít được bảo vệ nhất, dễ bị tổn thương nhất và không được luật lao động của Ả-rập Xê-út che chở. Trong cải cách hệ thống Kafala nửa vời này, người lao động giúp việc nhà vẫn không được hưởng bất kỳ một sự bảo vệ nào, kể cả quyền tham gia công đoàn hoặc đình công.
Đọc các trao đổi trên trang Facebook chung về Ả-rập Xê-út cho thấy vô số các vi phạm hợp đồng mà những người lao động giúp việc nhà phải gánh chịu: không được nuôi ăn đầy đủ, không được nghỉ giải lao suốt một ngày làm việc hơn 12 tiếng, không nhận được vật dụng vệ sinh cá nhân và y tế như đã thỏa thuận trong hợp đồng, và không nhận được đầy đủ tiền lương. Hộ chiếu của họ bị tịch thu, vì vậy thậm chí họ không thể ra khỏi nhà hoặc dùng hộ chiếu để mua vé máy bay thương mại trở về quê hương bằng chính tiền tiết kiệm của họ. Nhiều người đã hết hợp đồng 2 năm nhưng bị mắc kẹt tại Ả-rập Xê-út vì dịch COVID-19 và họ muốn về nhà đoàn tụ với gia đình. Hầu hết không thể mua vé máy bay thuê với giá cắt cổ (trên 3000 Mỹ kim) để về Việt Nam. Hầu hết đều hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ của chủ bảo trợ, đa số hứa cuội sẽ mua vé máy bay cho họ. Công ty VINACO có đại diện ở Riyadh nhưng họ đã làm ngơ trước lời van xin của những chị em giúp việc gia đình, như câu nói thông thường của người Việt Nam: “Ðem con bỏ chợ.”
Các tổ chức lao động và di cư quốc tế, bao gồm Tổ chức Lao động Quốc tế (International Labour Organization, ILO), Tổ chức Di cư Quốc tế (International Organisation for Migration, IOM) và Diễn đàn Toàn cầu về Di cư và Phát triển (Global Forum on Migration and Development, GFMD) cần chú ý đến tình trạng lạm dụng và bạo hành những người lao động giúp việc nhà vẫn còn đang mắc kẹt tại Ả-rập Xê-út. Các tổ chức này cần xem xét kỹ lưỡng việc thực hiện đúng đắn bộ quy tắc ứng xử của VAMAS và buộc các công ty tuyển dụng lao động thành viên của họ, bao gồm VINACO, phải chịu trách nhiệm và tuân thủ bộ quy tắc ứng xử của họ. Bằng chứng cho thấy công ty VINACO đã và đang làm hoàn toàn trái ngược quy tắc ứng xử mà họ đã ký kết thi hành, và họ tiếp tục lãnh đạo Ban Thị trường Ả-rập Xê-út cho lợi ích của họ. Hơn nữa, lời hứa của Thứ trưởng Bộ Lao động Quốc tế xứ Ả-rập Xê-út khi ký kết thỏa ước lao động năm 2014 về đối xử công bằng và nhân đạo với người lao động giúp việc nhà cần được Bộ Lao động Ả-rập Xê-út thực hiện, đặc biệt khi thỏa ước này dường như đã được gia hạn thêm 5 năm.
As their travel documents expire Myanmar migrants risk becoming undocumented and excluded from legal protections by shortcomings in both Myanmar and Thai migration policies.
In limbo: Migrant workers struggle with the Myanmar coup and COVID-19
Tệ hơn nữa, hệ thống này không có sự giám sát việc thực hiện đúng đắn các điều khoản của các hợp đồng lao động. Trong khi Luật Việt Nam 72 (2006) được sửa đổi, tức Luật 69/2020/QH14 (hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022), quy định cấm phí môi giới, thì quy định này không giúp ích được gì cho người lao động giúp việc nhà đến từ Việt Nam khi hệ thống Kafala vẫn còn tồn tại: “Người lao động di cư có thể chấm dứt hợp đồng với công ty tuyển dụng nếu thực hiện không đúng quy định.” Trên thực tế, hợp đồng được ký giữa chủ bảo trợ và người lao động giúp việc nhà Việt Nam (nhiều người không có bằng Trung học, chỉ nói được tiếng Việt và thậm chí không được giữ hộ chiếu của mình) dưới sự chứng kiến của một công ty tuyển dụng Ả-rập Xê-út được chính phủ Ả-rập Xê-út cho phép. Theo hợp đồng chung này, công ty tuyển dụng Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam không có vai trò gì ở Ả-rập Xê-út để bảo vệ công dân Việt Nam khi quyền lợi của họ bị xâm phạm và khi họ muốn chấm dứt hợp đồng. Đại sứ quán chỉ thông báo khi có một sự kiện bi thảm xảy ra hoặc khi tuyên bố rằng họ “không bỏ rơi một ai.” Trong khi đó, một số tờ báo của Việt Nam kêu gọi bảo vệ quyền lợi pháp lý của công dân Việt Nam xuất khẩu lao động, và đưa tin về các trường hợp công ty tuyển dụng bỏ rơi người lao động Việt Nam ở Ả-rập Xê-út.
Vào thời điểm viết bài, không chắc các chủ bảo trợ Ả-rập Xê-út có sẽ thi hành trách nhiệm trong hợp đồng của họ hay không: mua vé máy bay về Việt Nam cho những người lao động giúp việc nhà đã phục vụ cho họ cả sau khi hết hợp đồng 2 năm. Điều rõ ràng là hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn người lao động Việt Nam đang khao khát được trở về với gia đình, nhưng các chủ bảo trợ đã chần chờ không mua vé máy bay cho họ. COVID-19 đã cho các chủ bảo trợ một cái cớ để tiếp tục bóc lột những người lao động Việt Nam đã làm việc cật lực để chăm sóc gia đình và con cái của họ, trong khi đó gia đình của chính họ đang mong chờ họ trở về và trong khi hầu hết họ không đủ khả năng mua vé máy bay thuê bao.
Nếu đây không phải là lao động cưỡng bức và nô lệ thời nay thì là gì? Nếu không ra tay can thiệp giải cứu những người lao động giúp việc nhà đang mắc kẹt tại Ả-rập Xê-út thì khác nào nhạo báng quan điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) và các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc về các tiêu chuẩn lao động quốc tế, về việc tôn trọng con người và lòng nhân ái được quảng bá sâu rộng. Cả hai chính phủ Việt Nam và Ả-rập Xê-út nên đài thọ các chuyến bay nhân đạo để đưa những người lao động giúp việc nhà muốn hồi hương trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình. Cộng đồng thế giới đã quá chậm tay trong việc gây áp lực đối với hệ thống môi giới lao động xuyên quốc gia hầu ngăn chặn những cảnh nô lệ thời nay này.